Khát vọng U Va

Khát vọng U VaSau rất nhiều lần đến U Va (thuộc xã Noong Luống, huyện Điện Biên), tôi đã cố để hiểu những tâm sự ngổn ngang của người dân ở vùng đất phát tích truyền thuyết của người Thái. Và cũng từ đó, một U Va huyền bí luôn ám ảnh tôi, cho đến khi tôi gặp một người, nguyên là thầy giáo người Thái - là một trong số rất ít người còn hiểu cặn kẽ tiếng và chữ Thái, cũng như ý nghĩa của các truyền thuyết trên vùng đất Mường Thanh - ông tên Lò Xuân Ánh.

Trong câu chuyện về những truyền thuyết gắn với địa danh U Va, ông Lò Xuân Ánh thường dẫn trường ca “ẳm ệt luông” (chuyện khai sinh ra cái lớn) của dân tộc Thái. Trường ca có đoạn kể về chuyện dây leo khau - cút ở hồ U Va. Chuyện rằng, thuở ấy, trời và đất còn gần nhau lắm, gần đến nỗi giã gạo còn vướng chày, đẽo cây còn vướng rìu. Người trên trời xuống hoặc từ đất lên trời rất dễ dàng nhờ dây khau - cút (theo tiếng Thái phải gọi là khao cót nhưng do quá trình lịch sử, chữ khao - cót dần biến âm và được gọi là khau cút). Sau con người dưới đất làm mất lòng trời (then), trời mới sai cắt đứt dây khau - cút. Trời còn cho mọc giữa hồ U Va một cây si và một cây vả cành lá rộng đến nỗi che khuất cả bầu trời. Con người muốn chặt 2 cây nhà trời ấy đi nhưng chưa ai làm nổi; cho đến ngày anh em ẳm ý nhận công việc ấy. Anh em nhà ẳm ý chặt “3 tháng không nghỉ, 3 năm không ngơi” thì cây nhà trời đổ. Mấy anh em nhà ẳm ý bị cây đè chết nhưng mặt đất nhờ họ mà sáng ra.
Cứ theo những bản trường ca “ẳm ệt luông”, “Quắm tố mướng” của dân tộc Thái, U Va và Mường Thanh là địa danh gắn với truyền thuyết về sự phát sinh và phát triển của dân tộc Thái. Cùng với dòng chảy thời gian, sự sinh sống xen kẽ giữa các tộc người cũng làm mai một dần những tập tục truyền thống của từng dân tộc. Tuy vậy, bản U Va ngày nay vẫn giữ được nét đặc trưng của dân tộc Thái với những dãy nhà sàn xuôi theo dòng nước. Mặc dù bản có một phía quay ra hồ U Va huyền thoại song gần như những nếp nhà sàn bị bao bọc bởi núi. Trưởng bản Lò Văn Đo, cũng là một thầy giáo dạy Văn đã nghỉ hưu giải thích về cái tên U Va: Dịch theo tiếng Thái và Lào, U Va có nghĩa là cái võng dài. Trên thực tế, bản bị ngăn cách giữa vùng rừng cấm (nơi theo truyền thuyết có sợi dây khau - cút) là vùng hồ U Va. Lòng thung U Va, mảnh đất phát tích truyền thuyết của người Thái giờ vẫn đang trong khát vọng đổi đời khi mà những tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác một cách xứng tầm.
alt
Một góc khu du lịch U Va. Ảnh: H.T 
Theo ông Lò Văn Đo, bản U Va được thành lập từ năm 1971 theo chủ trương di dân vùng lòng chảo vào ven chân núi để dành đất canh tác của huyện Điện Biên. Tuy nằm cạnh hồ U Va và gần bãi bồi nơi hợp lưu giữa con sông Nậm Rốm và Nậm Núa, nhưng diện tích ruộng của bản rất ít lại cách khu dân cư hơn 4km. Người dân bản U Va sống chủ yếu bằng nguồn thu từ trồng lúa và nuôi cá ở vùng đầm lầy hồ U Va.
Để khai thác thế mạnh của vùng đất và từ chính đời sống văn hóa phong phú của bản người Thái ở U Va, năm 2004, bản được hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng cùng một số công trình công cộng trong dự án xây dựng bản văn hóa du lịch. Cùng năm đó, Công ty Xổ số kiến thiết đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái U Va. Bằng việc đầu tư đó, trong bản đã có trên chục người đi làm tại khu du lịch U Va. Cùng với sự kiện Năm Du lịch Điện Biên, du khách đến Điện Biên cũng biết tới U Va nhiều hơn, đã mở ra những hy vọng mới cho người dân U Va về một cuộc đổi đời từ làm du lịch cộng đồng.
Thế nhưng, hy vọng về một sự đổi thay còn xa vời. Dân bản vẫn chưa thể sống được nhờ làm du lịch khi cách làm và những sản phẩm du lịch ở U Va không thật sự đặc sắc, kém phong phú, đa dạng. Trong khi đó, đất nông nghiệp mỗi hộ cũng ngày càng ít đi, nên người dân U Va chẳng khấm khá hơn bao nhiêu.
Phát triển du lịch cộng đồng đã được thực hiện thành công ở một số bản văn hóa du lịch khu vực lòng chảo Điện Biên. Với U Va, các địa danh đã đi vào truyền thuyết nếu được khai thác để phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và văn hóa dân tộc sẽ mang lại nguồn lợi nhất định cho bản. Nhưng niềm khát vọng đổi thay và cũng là niềm mong mỏi của người dân U Va - vùng đất huyền thoại - chỉ thành hiện thực khi có sự quan tâm nghiên cứu của ngành chức năng và sớm có dự án đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Nếu không được đầu tư khai thác triệt để, vùng đất của những nếp nhà sàn người Thái với biểu tượng chiếc khau cút đầu hồi và những điệu múa xòe, múa sạp của người Thái cùng khát vọng đổi đời từ tiềm năng thế mạnh ấy sẽ dần bị lãng quên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét