Nằm trong chương trình tiến tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, xin trân trọng mời bạn bốn phương lên thăm Điện Biên quê tôi!
Bên cạnh quần thể các di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và các thạch động kỳ thú nơi thâm sơn cùng cốc, xin lữ khách hãy một lần tới chiêm ngưỡng danh thắng hồ Pá Khoang...
Trong đề án cấp Nhà nước về “Quy hoạch Tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam 1995-2010”, Chính phủ xác định Điện Biên là điểm du lịch mang tầm cỡ quốc gia. Các điểm du lịch: TP. Điện Biên Phủ - Pá Khoang - Mường Phăng... là khu du lịch đặc thù về văn hóa - lịch sử, với những tiềm năng to lớn, cần đưa vào khai thác. Với đề án trên, về lý thuyết, du lịch Điện Biên là điểm đến lý tưởng của nhiều loại hình du lịch, theo đó, các nguồn thu trong ngành “công nghiệp không khói” sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và ở đó, hồ Pá Khoang như một điểm đến sinh thái - lịch sử thú vị và giàu chất lãng mạn nhất. Trên bình đồ 916 mét so với mực nước biển, hồ Pá Khoang như một tấm gương khổng lồ gác hững hờ giữa khoảng không u tịch. Quanh năm suốt tháng, xuân hạ thu đông đủ bốn mùa “mặt gương” lấp lánh, quả là một kỳ quan được tạo ra từ bàn tay khối óc con người.
Chuyện rằng tròn 20 năm sau chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, đầu năm 1974, bốn đại đội thanh niên xung phong đầu tiên hành quân vào Mường Phăng. Cùng với cánh tay sắt thép và sức trẻ dẻo dai, tình yêu Điện Biên và trái tim người thợ đã tiếp thêm nghị lực cho họ, giúp họ hoàn thành con đường vắt qua mấy trăm ngọn núi chỉ trong vòng hơn nửa năm trời. Để rồi, gần 6 năm sau, công trình hồ Pá Khoang được hoàn thành, dài 12km, rộng 3km, diện tích bề mặt 36km2, dung tích khoảng 50 triệu m2. Pá Khoang là tên gọi theo phong cách biểu trưng của ngôn ngữ Thái, nghĩa là Rừng trúc. Trước kia, trúc ở Pá Khoang nhiều vô kể, người ta bảo: “Ngửa mặt lên thấy trời, cúi mặt xuống thấy trúc”, là vì thế. Đã có thời, cây trúc mảnh mai như thục nữ Pá Khoang, được coi là mặt hàng chiến lược, ngành Ngoại thương thu mua rồi xuất khẩu sang các nước châu Âu. Qua khâu xử lý công nghiệp, thân cây trúc mang màu hổ phách, loáng bóng ánh dầu, cây nhỏ làm cần câu cá, cây to làm gậy trượt tuyết, khai thác bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.
Hồ Pá Khoang thuộc địa phận xã Mường Phăng (huyện Điện Biên), cách thành phố Điện Biên Phủ 32km đường ôtô (khoảng 15km đường chim bay), theo hướng Đông Bắc. Năm xưa, trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, dưới tán rừng nguyên sinh Mường Phăng, các đơn vị sơn pháo của lực lượng pháo binh non trẻ Việt Nam (thuộc Đại đoàn công pháo 351, do Chính uỷ Phạm Ngọc Mậu chỉ huy), đã hì hục đem những “con voi sắt” qua đây. Từ Nà Nhạn, những cỗ pháo nặng 2-3 tấn được bí mật kéo qua Mường Phăng, ngạo nghễ ghếch nòng lên các sườn núi Bó Hoóng, đĩnh đạc dội lửa xuống đầu Đờcatxtơri vào hồi 17 giờ 00’ ngày 13/3/1954...
Còn bây giờ, từ trên dãy Pú Hồng Mèo, du khách sẽ có cảm giác như tỉnh như say mỗi khi phóng tầm mắt chiêm ngường Pá Khoang. Trong ráng chiều tim tím nơi bồng bềnh sơn cước, lớp lớp sóng bạc lăn tăn gợn lên từ giữa lòng hồ lung linh sương khói, rồi theo làn gió thoảng tản ra ôm lấy những đường kỳ hà giả tưởng. Thấp thoáng trong màu xanh bát ngát của tán lá đại ngàn, một ngôi nhà nghỉ 3 tầng cấu trúc theo thế “nhất thượng nhị bình”, kiêu hãnh soi mình xuống mặt hồ. Ngôi nhà ấy có người ví như một nét chấm phá lãng mạn, lộng lẫy hiện lên trên nền bức tranh sơn thuỷ Pá Khoang. Đôi khi, vào lúc viễn khách đang thẫn thờ thưởng lãm, bỗng giật mình bắt gặp một cánh từ quy run rẩy chao nghiêng xuống lòng thung; hình ảnh ấy bất giác gợi niềm cô liêu vô cớ, hoặc nhắc đến một kỷ niệm xa vời mà tự ta cũng không hiểu vì sao... Mây biếc quấn quanh núi xanh, núi xanh trùm lên ngói đỏ, ngói đỏ lẫn vào nước bạc, cảnh trí này và nỗi niềm kia ngỡ như không danh họa nào vẽ nổi, không văn tài tả xiết.
Đến với Pá Khoang, dù là bậc tao nhân mặc khách hay người bình dân một nắng hai sương, ai cũng thấy tâm hồn mình tràn trề những ý nhạc, lai láng những tứ thơ, chân bước ra về mà tình còn bâng khuâng lưu lại... Mỗi năm, hàng chục nghìn lượt khách du lịch từ mọi châu lục, từ khắp các tỉnh thành, nô nức đổ về đây. Và như vậy, mặc nhiên Pá Khoang trở thành “điểm hẹn”, lặng lẽ làm gần lại hơn nữa khoảng cách giữa các ngôn ngữ và các màu da; trong sự quây quần, san sẻ, cảm thông. Ngay cả với người Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng, vào những ngày nghỉ cuối tuần hoặc những dịp lễ tết, nhiều gia đình bồng bế cả bầu đàn thê tử lên với Pá Khoang. Trên chiếc du thuyền được cách điệu rất tài tình theo hình các con vật, anh chồng âu yếm đọc sách bên vợ, chị vợ đắm đuối ngâm thơ cạnh chồng, đứa con nhỏ bẽn lẽn quay đi thả chân xuống nước cho đàn cá măng rối rít bơi cùng. Đến bữa, xin cứ tự nhiên neo thuyền hạnh phúc vào một hoang đảo bất kỳ. Rồi, chỉ cần đôi chút thức ăn và một chiếc ô ngũ sắc mang theo, thế là bạn đã có cái không gian mơ mộng dành riêng cho hai trái tim thả sức mộng mơ, giữa bốn bề dập dìu sóng nước. Quả thực, Pá Khoang xứng đáng như một bức hoạ toàn bích được phóng bút bởi những ngón tay tiên, trên bức hoạ ấy thơ tha thiết hiện lên chờ nhạc và nhạc khao khát đợi người viết tiếp những cung thương...
Ngoài chức năng là khu du lịch sinh thái hấp dẫn, có tác dụng bồi bổ tinh thần và nâng cao thể chất cho khách thập phương, Pá Khoang còn giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với nền sản xuất nông nghiệp tỉnh Điện Biên. Như mọi người đều biết, cánh đồng Mường Thanh rộng trên 5.000ha, là vựa lúa lớn nhất Tây Bắc, như câu “Nhất thanh, nhì Lò...” vẫn nói. Trước kia, cánh đồng này chủ yếu trồng mỗi năm một vụ, nhưng từ khi có hồ Pá Khoang đã đủ nước cho việc sản xuất mỗi năm hai vụ ăn chắc. Mùa mưa lũ, hồ Pá Khoang là nơi điều hoà chủ động và hiệu quả, chỉ cần đóng chặt cửa đập là bào nhiêu nước cũng được khống chế bởi “cái túi” thượng nguồn. Nhờ có Pá Khoang mà công trình thuỷ điện Thác Bay và công trình thuỷ điện Nà Lơi, mới có thể duy trì hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.
Nói cách khác, Pá Khoang đã và đang góp phần to lớn vào công cuộc điện khí hoá và công nghiệp hoá, trên con đường phát triển của Điện Biên. Dưới lòng hồ Pá Khoang - theo tính toán sơ bộ của Ban quản lý công trình - lúc nào cũng có vài trăm tấn cá dự trữ. Cá Pá Khoang gồm nhiều chủng loại, với nhiều kích cỡ khác nhau, nhưng giống nhau bởi một điều lý thú là chất lượng tuyệt hảo. Nhiều người giải thích vì nguồn nước cung cấp cho hồ Pá Khoang rất sạch, không chảy qua khu công nghiệp hoặc khu dân cư đông đúc nào. Chẳng hiểu sự kiến giải ấy đúng sai bao nhiêu phần trăm, chỉ biết cá Pá Khoang nhiều đến mức đủ thoả mãn nhu cầu cho cả thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên; và ngon đến mức - dù kho hay rán, nướng hay hấp, trôi hay trắm, chép hay quả - người này ăn người khác thấy thèm...
Nhận thấy tiềm năng du lịch của hồ Pá Khoang, ngay từ năm 1998 tỉnh Lai Châu (cũ) đã tiến hành quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái Pá Khoang giai đoạn 1998-2010. Đường vào Pá Khoang được đầu tư nâng cấp, có 4 nhà nghỉ vừa sang trọng vừa dân dã với gần 100 phòng khép kín, bể bơi, bãi đỗ xe, sân quần vợt... Cùng với đó là các bản văn hóa - du lịch trải rộng trong một không gian văn hóa truyền thống đặc thù, sẵn sàng đón khách với những vũ điệu say nồng, như hương thơm rượu cần nguyên bản, được pha bằng nước hồ Pá Khoang trong vắt tứ mùa.
Bên hồ, vào lúc chúng ta vừa ngắm trời, ngắm đất, lại vừa say đắm ngắm nhau đang thưởng thức món măng nướng với cá sấy khô, các nàng sơn nữ kiều diễm sẽ làm xao động trái tim bạn bởi một câu chuyện cổ tích hay nhất và nhân bản nhất, hơn tất cả mọi câu chuyện mà bạn từng nghe... Rằng, ngày xửa ngày xưa, tại một địa danh phát tích có tên là Tảu Pung cách Pá Khoang chỉ vài thôi đường, sau cơn đại hồng thuỷ các giống người lần lượt được sinh ra từ một quả bầu tạo hoá. Các giống người ấy sau này là tổ tiên của bạn, tổ tiên của tôi, tổ tiên của đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét