Sông Đà - con sông đã đi vào huyền thoại thơ, ca, nhạc, họa... và những người dân bản Pắc Na cũ, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa vẫn luôn tôn kính như vị thần, sông thiêng. Đối với họ, những thác ghềnh, bờ bãi bao đời nay đã in tạc vào lòng, vào đời sống tâm linh. Những kiến tạo thiên nhiên nay đã ngập chìm sâu dưới hàng trăm mét nước. Trong trái tim của họ vẫn cồn cào nỗi nhớ... Nhất là mỗi độ tết đến xuân về, nỗi nhớ mênh mang bao đời gắn bó với dòng sông, mãi mãi không bao giờ phôi phai.
Người Thái ở bản Pắc Na, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa gọi khúc sông Đà chảy qua địa phận mình cư trú bằng cái tên Nậm Tek, dòng nước đỏ nghìn năm của đất Mường, người Thái.
Năm nay, tròn 3 mùa xuân, trên 200 hộ dân của bản Pắc Na dời bản cũ chuyển đến vùng đất mới tái định cư phục vụ công trình Thủy điện Sơn La. Trong đó, có vài chục hộ may mắn vẫn được ở cạnh sông Đà khi chỉ phải di vén từ bản cũ Pắc Na lên bản tái định cư Huổi Trẳng. Hiện nay, cuộc sống ở Huổi Trẳng đang từng giờ, từng ngày “thay da đổi thịt”. Nhà cửa khang trang, trường học, Trạm y tế... tất cả đều được dựng mới, lung linh rực lên trong sắc nắng. Khúc sông Đà chảy qua địa phận của bản, giờ mênh mông như hồ nước. Một bức tranh “sơn thủy hữu tình”, thuyền bè xuôi ngược. Bến Pắc Na, mỗi buổi sáng nườm nượp người xuôi ngược với ắp đầy những mẻ cá tươi rói, khuôn mặt rạng ngời, nụ cười tươi tắn của ngư dân. Nhìn vào những hình ảnh ấy, cảm thấy lòng mình cũng tràn đầy háo hức. Vui cho người dân nơi đây, một thời nghèo khó, lam lũ... đã dần lùi vào dĩ vãng.
Đối với những người dân đã từng sống ở Pắc Na, nhất là những người già như ông Lù Văn Hạp (90 tuổi) mà chúng tôi đã gặp, thì Nậm Tek xưa mãi không phai mờ với những nghi lễ. Ông xúc động, kể lại cho chúng tôi nghe: Nậm Tek là dòng sông linh thiêng, nên khi mà các hoạt động có đụng chạm đến dòng sông đều phải cúng lễ, cầu khấn, có như vậy thì mới được thần sông phù hộ may mắn, sức khỏe, phát đạt không gặp phải rủi ro, hoạn nạn... mới chân cứng đá mềm vượt thác, vượt ghềnh. Lễ cúng được tổ chức vào những ngày đầu năm, bản chọn ngày tốt để tổ chức. Sáng sớm, mọi người tập trung ở bãi cát ven sông. Tất cả từ già trẻ, trai gái trong buổi lễ đều phải mặc quần áo đen. Người cúng là già làng có uy tín nhất bản, đầu quấn khăn đỏ. Lễ cúng bắt đầu khi già làng bước tới trước con trâu, thắp hương, ăn trầu, khấn vái thần nước, thần núi rừng sau đó bổ một nhát rìu vào gáy con trâu (đã bị buộc 4 chân). Lập tức mọi người xúm vào kéo đổ trâu, làm thịt ăn ngay tại bãi cát. Ngày cúng là ngày kiêng của bản, mọi người đều nghỉ ở nhà, không ai được ra khỏi bản, người ngoài không được vào trong bản. Rồi hàng năm, vào trưa 30 tết cả bản tập trung ra bến sông đánh trống làm lễ thắp hương, dâng lễ vật cho thần sông. Sau đó tất thảy mọi người gội đầu, nhảy ào xuống dòng sông ngụp lặn trong dòng nước, tắm rửa kỳ cọ thật lâu để lấy lộc cả năm. Mỗi năm khi bắt đầu vào mùa mưa lũ, dân làng chọn ngày lành mổ lợn, gà làm lễ khấn bái hòn đá bạc ở giữa dòng sông, khấn vái thác dữ. Với họ, mỗi hòn đá, thác nước đều có vị thần linh cai quản, nên cúng lễ vậy để một năm đi lại xuôi chèo, mát mái...
Ngồi xuồng dạo trên Nậm Tek chúng tôi có cảm giác như mình đang được đi thuyền trên vịnh Hạ Long, mặt nước trong xanh, lăn tăn gợn sóng. Tay lái xuồng cự phách đã có thâm niên trên 15 năm, Lò Văn Yến chẳng phải vật lộn với những thác ghềnh dữ dội như xưa, ánh mắt xa xăm đầy hoài niệm. Anh kể cho chúng tôi về hình ảnh Nậm Tek, nay đã đi vào ký ức: Nậm Tek có nhiều thác lớn, độ dốc cao. Tùy mức độ nguy hiểm và dữ dội của thác mà người dân địa phương ở đây gọi bằng 2 cách là: Kẻng và Tạng. Như Kẻng Mỏ, Kẻng Máu, Kẻng Láik... Tạng Thủm, Tạng Nậm Thẳm, Tạng Laik... Tạng Nậm Thẳm là thác có độ dốc cao và dài nhất, không có thuyền bè nào qua nổi. Nậm Tek có nhiều thác ghềnh dữ dội, khi đi thuyền bè dân thường bảo nhau, truyền nhau bằng câu hát: “Đầu thuyền đắm đừng bỏ chèo, đuôi thuyền chìm đừng bỏ dây”. Sự hung dữ của Tạng Thủm trên dòng Nậm Tek, khiến cho những tay thuyền nơi đây đã không ít lần hồn xiêu, phách lạc. Mỗi khi nhắc đến, mọi người lại đọc bài ca không biết truyền từ đời nào:
Thác Mar em không lo
Thác Mỏ em không sợ
Nỗi lòng lo sóng to Tạng Thủm
Gạo đầy bao cũng trôi
Gà đầy lồng cũng mất
Quả trám bùi đầy túi chẳng được ăn
Chỉ là người lái xuồng chở khách qua sông, nhưng anh Yến chẳng khác nào hướng dẫn viên thực thụ, kể lại cho chúng tôi về đời sống gắn bó với sông nước của người dân nơi đây. Và rồi theo anh cũng vì vậy mà dòng Nậm Tek mầu sắc cũng thật đặc biệt, vào mùa mưa đục một màu đỏ, từ bao đời nay đã đi vào huyền thoại, hai bên bờ tả ngạn, hữu ngạn đều có dãy núi cao sừng sững, dốc đứng. Mùa mưa thác lũ ầm ầm, NậmTek ăm ắp cá, tôm người dân chỉ cần mang vợt, chài ra ven sông cũng có thể bắt được cá chiên, cá lăng... có con nặng tới vài chục cân. Dọc bờ sông, những vách đá dựng đứng, trong hốc đá là từng tảng mật ong vàng suộm, đặc quánh... Cuộc sống nông nghiệp cũng đã được đi vào lời ca: “Có nương không sợ đói, có ruộng không sợ chết”. Dòng Nậm Tek đã trở thành dòng sông dự báo thời tiết, dự báo thời vụ cho cư dân nơi đây nên đến giờ vẫn còn câu: “Nậm Tek đục hãy làm mạ”, “Nậm Tek lũ hãy cấy ruộng”.
Dòng Nậm Tek - dòng nước yêu thương của bản gắn bó thiết tha, như ngấm vào cơ thể của mỗi con người nơi này. Trong hung dữ của thác ghềnh, hùng vĩ sừng sững của bờ đá ven sông thì khi vào dịp cuối đông, đầu xuân dòng Nậm Tek lại êm đềm, uốn khúc sáng xanh như mắt trẻ, mặt nước mượt mà, mát dịu như làn da con gái. Đêm về, làn sương mờ như bàn tay của chàng trai phủ lên, xoa nhẹ giao hòa trong ánh trăng mờ thổn thức. Vẻ đẹp hoang sơ ấy đã đi vào câu ca đầy lãng mạn, trữ tình:
Gà rừng gáy ven sông
Hoa ve nở ven nước
Nhìn đi cuối sông,
núi đá qua tầm mắt
Nhìn lên đầu sông,
có cây cao rừng già
Yêu nhau Nậm Mấc cạn bằng đĩa hãy quên
Quý nhau Nậm Tek cạn bằng đĩa mới hết
Nậm Tek nay chẳng còn Tạng Ma, Tạng Thủm (thác lớn, thác bé). Mọi bờ bãi, thác ghềnh của thiên nhiên tạo nên đã nhường lại cho lợi ích của quốc gia. Mọi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân hai bên bờ sông, những vị thần thác, thần đá linh thiêng của họ đã đi vào trong dòng nước. Với người dân nơi đây, Nậm Tek mãi mãi dòng sông yêu thương, dòng sông khát vọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét