Sa trường Mường Thanh trước trận thư hùng


ĐBP – Lâu nay, một câu hỏi được đặt ra: Có phải chiến dịch Điện Biên Phủ là trận đánh duy nhất tại sa trường Mường Thanh? Với không ít người thuộc thế hệ sinh sau năm 1954, thì Điện Biên Phủ chỉ là một trận đánh 56 ngày đêm, nếu tính cả cuộc truy đuổi tàn binh địch khi chúng tìm cách rút chạy sang Lào theo con đường biên giới tây nam... Trên thực tế, trước đó, đã có những trận đánh dữ dội ở Mường Thanh, do các đơn vị của Đại đoàn 316 thực hiện...
Tháng 10/1953, trong khi kế hoạch hành binh mang tên “Cátxtô” (con Hải ly) đánh chiếm Điện Biên Phủ còn chưa kịp hoàn thiện, thì tổng hành dinh của Navarre ở Hà Nội rất bất ngờ trước “hung tin”, về việc “hình như Đại đoàn 316 của Việt Minh đã xuất quân lên hướng Tây Bắc?”. Và cái gì đến đã đến: Mọi việc bắt đầu từ lúc 8 giờ 15 phút, ngày 20/11/1953. Từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) và sân bay Cát Bi (Hải Phòng), 60 chiếc Đakôta hợp thành một thê đội đặc biệt, chở đầy lính Âu – Phi được sự yểm trợ của một phi đội cường kích B.26 – loại máy bay oanh tạc “Invadơ” thế hệ mới – bất ngờ dàn hàng ngang lao vun vút lên vùng trời Tây Bắc. Hành động đó mở đầu cho cuộc hành quân Cátxtô, do tướng Gin (Gilles) cầm đầu, để tái chiếm thung lũng Mường Thanh – đấy là một viên tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc, từng chỉ huy đổ bộ thành công lên căn cứ Nà Sản (Sơn La) trước kia.
Chiến dịch bắt đầu, lúc này là 17 giờ 10 phút ngày 13/3/1954. Ảnh tư liệu

Ngay ngày hôm ấy, địch đã thả xuống Điện Biên 3 tiểu đoàn dù thiện chiến, cùng với 1 đại đội công binh và 108 tấn vũ khí. Hôm sau – 21/11/1953 – lại có thêm 3 tiểu đoàn dù cùng với 1 đại đội pháo hạng nặng và 250 tấn dụng cụ chiến tranh, được tướng Gin và đại tá Lănggle (Langlais) tiếp tục ném xuống Điện Biên Phủ. Những ngày sau đó, việc bố trí phòng thủ Điện Biên được quân Pháp ráo riết thực hiện, theo đúng sơ đồ bố phòng và kế hoạch tác chiến, đã được chuẩn y bởi Bộ Quốc phòng Pháp và các chuyên gia hàng đầu của Mỹ, về kỹ thuật phòng thủ mặt đất.
Quả thực, tại thung lũng Mường Thanh (tỉnh Lai Châu), Bộ Tư lệnh Đại đoàn 316 (danh hiệu: Bông lau, mật danh: Biên Hòa; Đại đoàn trưởng: Lê Quảng Ba, Chính ủy: Chu Huy Mân) chỉ thị cho các đơn vị khẩn trương làm công tác chuẩn bị chiến trường, đồng thời kiên quyết trừng trị bọn địch đi càn quét, cướp phá, bảo vệ tính mạng và tài sản của đồng bào. Nhiều toán trinh sát được phái đi nắm tình hình địch, phục bắt tù binh và liên lạc với cơ sở. Các đơn vị vận tải, bộ binh, dân công ngày đêm vận chuyển gạo, đạn ra các kho dự trữ phía trước, thiết lập các bệnh xá, các trạm cấp cứu. Chỉ trong mấy ngày đầu tháng 1/1954, các tiểu đoàn 255, 439, 938 đã đánh 3 trận ở bản Him Lam, Pú Hồng Thái và bản Xôm, diệt hơn 100 tên, bắt sống 12 tên...
Song song với nhiệm vụ làm đường, Đại đoàn còn có nhiệm vụ bảo vệ một số điểm cao án ngữ phía đông cánh đồng Mường Thanh. Qua tin tức tình báo ta nhận được, lúc này địch rất lo lắng theo dõi những hoạt động của quân ta ở hướng đông Mường Thanh. Tại đây, các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp tế, vận chuyển và cơ động, nhất là pháo binh. Nhưng nếu ta vượt qua được những khó khăn đó thì hướng này với những điểm cao khống chế, thực sự là một nguy cơ đối với địch. Biết được điều ấy, địch tăng cường các hoạt động nhằm nới rộng vòng vây chung quanh tập đoàn cứ điểm, để thăm dò và phá hoại công tác chuẩn bị của ta. Trong không khí phấn khởi ấy, đại đội sơn pháo 75 của trên phối thuộc cho Đại đoàn, được lệnh bắn vào sân bay Mường Thanh, diệt một số máy bay, lập thành tích mừng chiến công ở các mặt trận và mừng Xuân Giáp Ngọ (1954). Sau lần bắn thử rút kinh nghiệm, việc đánh phá sân bay được quyết định chính thức vào ngày mồng 1 Tết.
Hôm đó sương mù dày đặc, mãi tới 11 giờ trưa trời mới quang. Đại đoàn trưởng lên đài quan sát ra lệnh và theo dõi cuộc bắn phá. Đến viên đạn thứ ba thì một máy bay khu trục bốc cháy ngùn ngụt. Địch hoảng hốt vội vã sơ tán những chiếc còn lại. Các chiến sĩ pháo binh đã thực hiện xuất sắc lời của Đại đoàn trưởng thay mặt cho đơn vị, hứa quyết tâm lập chiến công để chúc Tết đồng chí Tổng Tư lệnh và Bộ Chỉ huy chiến dịch. Nhận được báo cáo ngày hôm đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định thưởng Huân chương Quân công hạng ba cho đại đội sơn pháo đã lập được công đầu xuất sắc này.
Pháo binh ta bắn vào sân bay Mường Thanh chắc chắn sẽ làm cho địch lo ngại và chúng sẽ phản ứng mạnh hơn. Bộ Chỉ huy chiến dịch lệnh cho Đại đoàn 316 tăng cường lực lượng phòng ngự, kiên quyết giữ vững thế bao vây uy hiếp tập đoàn cứ điểm, đồng thời tích cực tranh thủ tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, nếu chúng đánh ra. Đại đoàn điều tiểu đoàn 439 (trung đoàn 98) ra chốt giữ khu Đồi Xanh, gồm các đồi 781, 754, 518, 502 nối tiếp nhau tạo nên một bức thành ngăn cánh đồng Mường Thanh với dãy núi Tà Lèng, nhằm bảo đảm cho công tác làm đường kéo pháo xây dựng trận địa pháo binh bắn vào Mường Thanh và tạo bàn đạp cho Đại đoàn triển khai lực lượng xây dựng trận địa, bao vây tiến công ở phía đông tập đoàn cứ điểm sau này. Ngay trong đêm mồng 1 Tết (3/2/1954), tiểu đoàn 439 hành quân ra vị trí và khẩn trương xây dựng trận địa phòng ngự.
Đúng như dự đoán của trên, sáng 5/2, lúc hãy còn sương mù, 1 tiểu đoàn địch bí mật tiến ra Khe Chít. Vừa tan sương, 3 xe tăng địch lao ra phối hợp cùng pháo binh, không quân bắn phá dữ dội, yểm hộ cho bộ binh xung phong lên Đồi Cháy, một quả đồi thoai thoải ở phía trước Đồi Xanh. Tiểu đội tiền tiêu của ta bí mật chờ địch đến cách 30 mét mới bất thần đồng loạt nổ súng, diệt tại chỗ 10 tên. Tiếp đó, anh em liên tiếp đánh lùi hai đợt xung phong của địch, ghìm chân chúng hơn một giờ rồi mới bí mật rút về trận địa chính. Địch chiếm Đồi Cháy làm bàn đạp tổ chức tiến công lên Đồi Xanh, đồng thời cho 1 mũi bí mật luồn rừng đánh vào trận địa sơn pháo ta. Các chiến sĩ pháo binh cảnh giác theo dõi chúng, phối hợp với phân đội bảo vệ đánh bật quân địch, bảo vệ trận địa pháo an toàn. Các đợt tiến quân sau đó của địch lên Đồi Xanh đều bị bẻ gãy. Tính chung trong ngày hôm ấy, quân ta đã đánh bại 6 đợt phản công của địch, diệt hơn 60 tên, bảo vệ vững chắc trận địa.
Biết địch chưa từ bỏ âm mưu tiến đánh Đồi Xanh và những trận tiến công sắp đến của chúng sẽ còn quyết liệt hơn, ngay tối hôm đó, tiểu đoàn 439 tổ chức rút kinh nghiệm. Tiểu đoàn đánh giá bộ đội chiến đấu dũng cảm, cán bộ chỉ huy linh hoạt, các bộ phận hiệp đồng chặt chẽ, nhưng công sự chưa thật chắc chắn, trận địa chưa bố trí thành thế liên hoàn, xuất kích chưa mạnh, cần động viên anh em gấp rút tăng cường củng cố trận địa, giữ vững quyết tâm, sẵn sàng đánh bại lực lượng địch lớn hơn nữa.
Nhờ kịp thời rút kinh nghiệm, động viên bộ đội phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm nên trong các ngày 6, 8 và 11/2/1954, tiểu đoàn 439 và các đơn vị đã liên tiếp đánh bại 3 lần tiến công của địch, tiêu diệt 380 tên, bắn hỏng 1 xe tăng, bắn rơi 1 máy bay và cháy 1 chiếc khác. Sau mỗi trận lại tổ chức rút kinh nghiệm. Thế trận phòng ngự Đồi Xanh càng được củng cố vững chắc thêm. Tiểu đoàn còn tổ chức cho cán hộ sang học tập đại đội phòng không, một đại đội có nhiều sáng kiến và kinh nghiệm tốt về xây dựng trận địa và tổ chức ăn ở cho bộ đội trong chiến hào. Chấp hành chỉ thị trên và nhận thấy cuộc chiến đấu ở đây còn kéo dài, Đảng ủy tiểu đoàn bàn bạc phát động một đợt củng cố trận địa, cải thiện đời sống.
Sau những thất bại liên tiếp ở khu vực Đồi Xanh, địch chưa kịp củng cố lực lượng thì ở phía bắc Him Lam, sơn pháo của Đại đoàn bạn lại bắn vào sân bay. Địch phải quay sang phía ấy đối phó. Khu vực Đồi Xanh tạm thời yên tĩnh. Sau hơn 1 tuần, trên các điểm phòng ngự đã xuất hiện nhiều tầng chiến hào liên hoàn. Các ụ súng đều có nắp. Các tổ ba người đều có hầm ngủ có thể mắc màn. Phía trước trận địa là hàng rào sừng hươu kết hợp với bãi mìn. Ngoài trận địa chính còn có trận địa dự bị, trận địa giả. Bếp ăn của các đơn vị có hầm nấu chắc chắn, có hệ thống tiêu khói, bảo đảm khi máy bay, đại bác địch ném bom, bắn phá vẫn tiếp tục đun nấu được.
Thời điểm này, các đơn vị nhận được mật lệnh củng cố hầm hào, công sự, bổ sung vũ khí và tăng cường quân số... để chờ chỉ thị mới của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Đó chính là trận đánh 56 ngày đêm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”...
(Tài liệu tham khảo: Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)
Quốc Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét