Tàu ngầm Trường Sa thay áo mới, chuẩn bị ra biển

Sau lần chạy thử nghiệm thành công trên hồ lớn, ông Nguyễn Quốc Hòa, Giám đốc Công ty cơ khí Quốc Hòa (TP Thái Bình) đã cho sơn lại toàn bộ bề mặt của tàu ngầm mini Trường Sa nhằm chuẩn bị cho lần chính thức ra biển.
Sáng 28/3 vừa qua, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa đã chính thức đưa tàu ngầm Trường Sa do ông tự sáng chế ra hồ lớn để thử nghiệm. Sau khoảng hai tiếng thử nghiệm trong hồ ở thành phố Thái Bình, tàu ngầm Trường Sa với màu đỏ đã hoạt động nhịp nhàng trước sự chứng kiến của hàng trăm người.
Tàu ngầm Trường Sa có màu sơn đỏ ấn tượng
Vài ngày sau, ông Hòa đã quyết định sơn lại toàn bộ phần vỏ ngoài của con tàu để chuẩn bị cho chuyến ra biển. Ông Hòa cho biết toàn bộ quá trình sơn tàu diễn ra trong 2 ngày. Gần như toàn bộ con tàu đã được phủ một lớp sơn đen, màu sơn chủ đạo thường được dùng cho các tàu ngầm quân sự trên thế giới.
Tàu ngầm Trường Sa được sơn thêm 3 lớp. Lớp ngoài cùng có màu đen bóng.
Lớp sơn đen khá mịn của tàu có được là nhờ một loại sơn đặc biệt dành cho tàu biển. 
Theo ông Hòa, quá trình sơn và gia công cho toàn bộ con tàu đã tốn một khoản chi phí không nhỏ.
Dòng chữ "Chế tạo tại Thái Bình - Việt Nam" được sơn màu vàng nổi bật ở hai bên mạn tàu.
Phần giá đỡ phía dưới của tàu ngầm được sơn đỏ giống với màu cờ tổ quốc
Tên gọi "Trường Sa 01" cho thấy tham vọng chế tạo thêm nhiều tàu ngầm khác nữa của ông Hòa
Trao đổi với VnReview, ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết mọi khâu chuẩn bị để tàu ngầm Trường Sa ra biển đã hoàn tất. Những lần thử nghiệm trước đã cho kết quả rất tốt nên ngoài việc sơn và tân trang lại phần vỏ thì ông chưa có ý định sửa hay thay thế bất cứ bộ phận nào trên con tàu.
"Tuần vừa qua, tôi đã làm việc với đại diện Viện kỹ thuật tàu quân sự (Bộ Quốc phòng). Chỉ chờ Bộ Quốc Phòng cho phép, tàu ngầm Trường Sa sẽ được ra biển", ông Hòa nhấn mạnh.
Tác giả tàu ngầm Trường Sa cũng cho biết khi ra biển thì tàu ngầm sẽ chạy thử trong bán kính 50 km, lớn hơn rất nhiều so với lần thử nghiệm trong hồ lớn tại khu công nghiệp Vĩnh Trà ở TP. Thái Bình. Địa điểm dự kiến thử nghiệm tiếp theo sẽ là vùng biển Tiền Hải, tỉnh Thái Bình với độ sâu trung bình khoảng 20 – 30m.
Theo kế hoạch thử nghiệm Trường Sa trên biển, đoàn thử nghiệm sẽ gồm ba tàu: tàu ngầm Trường Sa và hai tàu cá. Hai tàu cá sẽ đóng vai trò tàu cảnh báo. Một tàu đi trước, một tàu đi sau. Hai tàu này đều được trang bị máy tầm ngư để có thể theo dõi được tàu ngầm Trường Sa đang ở đâu trong khi lặn xuống nước, di chuyển hay dừng lại…
Ngoài ra, chủ nhân tàu Trường Sa cũng đã lên sẵn những phương án dự phòng trong trường hợp tàu gặp sự cố. Ông Hòa cho biết là đã tham khảo ý kiến của chuyên gia và đã sắp xếp lại nơi đặt bình oxy lỏng, bình dầu nguyên liệu để tăng tính an toàn cho tàu. Ngoài ra, với hệ thống xả khí, tàu ngầm Trường Sa sẽ nổi nhanh chóng trong trường hợp gặp trục trặc khi đang lặn.
GL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét